Thí sinh khóc cả đêm vì 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng yêu thích: Nhà trường nói gì?

Thí sinh khóc cả đêm vì 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng yêu thích: Nhà trường nói gì?

Nghĩ rằng 27 điểm là cao nhưng không ngờ con vẫn trượt Học viện Ngân hàng, một phụ huynh cảm thấy bất công và bất lực với cuộc đua vào đại học năm nay.

Thí sinh 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng yêu thích

Bắt đầu từ sau 17h ngày 17/8, nhiều trường đã chính thức công bố điểm chuẩn đại học năm 2024. Trong đó, điểm chuẩn Học viện Ngân hàng năm 2024 cũng được đưa ra từ 25,6 đến 28,13 điểm. Ngành Luật kinh tế cao nhất với 28,13, tăng 1,63 điểm so với năm ngoái. Với mức này, trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt hơn 9 điểm mới đỗ.

Ngay sau khi có điểm chuẩn Học viện Ngân hàng năm 2024, nhiều thí sinh đã vui mừng trúng tuyển nhưng ngược lại có những thí sinh 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng.

Một phụ huynh có con trượt Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Con tôi được 27 điểm nhưng trượt Học viện ngân hàng. Con ở trong phòng khóc cả tối nay. Tôi làm mẹ mà xót con quá. Tôi đang phải tìm phương án dự phòng cho con vì trượt rồi cũng phải đối mặt với sự thật”.

Phụ huynh này cũng nói thêm: “Thực sự buồn vì con nỗ lực, điểm không hề thấp mà sao bất công quá. Tôi nghĩ nên quay về thi đại học như ngày xưa để điểm thi không còn bị lạm phát, không công bằng. Nhiều người có điều kiện cho con học các thứ, còn tôi ở quê thì thực sự bất lực”.

Đây cũng là tâm sự chung của nhiều thí sinh, phụ huynh bởi điểm chuẩn năm nay ở nhiều trường cho thấy tăng cao. Nhiều ngành trên 27 điểm mới đỗ đại học.

Nhà trường nói gì?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS. Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Thí sinh 27 điểm trượt nguyện vọng là xét tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT khối C vào ngành Luật Kinh tế. Đây là ngành duy nhất có khối C và cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất, trên 27 điểm. Năm ngoái, ngành này lấy điểm chuẩn là 27.

Về nguyên tắc xét tuyển đại học rất công bằng vì tiêu chí điểm rõ ràng, công bố trước cho thí sinh, lấy từ trên cao xuống thấp. Như vậy, chúng ta tưởng 27 điểm là cao nhưng có bạn điểm còn cao hơn và do chỉ tiêu hạn chế nên nhiều bạn điểm thấp hơn sẽ không có cơ hội dù lực học rất ổn”.

TS Hà cũng nói thêm về ý kiến có nhiều phương thức xét tuyển khiến thí sinh không có điều kiện kinh tế bị thiệt thòi: “Mỗi người có một thế mạnh riêng và các trường đại học đa dạng hóa các phương thức xét tuyển. Riêng Học viện Ngân hàng dành 50% chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh đều có cơ hội như nhau. Phương thức nữa là xét học bạ chiếm 10-15%. Phương thức khác như điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ chiếm chỉ tiêu rất nhỏ và những bạn đủ điểm xét tuyển sớm vào Học viện Ngân hàng cũng đều xứng đáng”.

Trước những trường hợp điểm cao chót vót nhưng vẫn trượt, TS Hà bày tỏ: “Nhà trường rất chia sẻ bởi những bạn thí sinh có mức điểm 27 đều có năng lực học tập tốt nhưng trong quá trình thi không may mắn đạt điểm cao như năng lực hoặc không cao bằng các bạn khác. Do chỉ tiêu có hạn nên các trường phải lấy điểm chuẩn như vậy nên các bạn 27 điểm chưa đủ để trúng tuyển nguyện vọng mơ ước. Tuy nhiên, cánh cửa này khép lại có cánh cửa khác mở ra, các bạn không nên quá buồn vì vẫn có cơ hội ở các trường khác hay ngành khác thấp điểm hơn của trường (nếu tuyển bổ sung đợt 2) hoặc cố gắng ôn luyện năm 2025 thi lại”.

Điểm chuẩn Học viện Ngân hàng năm 2024

Năm nay Học viện Ngân hàng tuyển hơn 3.500 sinh viên ở trụ sở Hà Nội, tăng 200 so với năm ngoái. Năm phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng, dựa vào học bạ (20% tổng chỉ tiêu), xét chứng chỉ quốc tế (15%), điểm thi đánh giá năng lực (15%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).

Giữa tháng 6, trường đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Với xét học bạ, điểm chuẩn cao nhất là 29,9 với các ngành theo thang 30 và 39,9 với thang 40, tăng nhẹ so với năm ngoái.